Gửi tiết kiệm ngân hàng được xem là kênh đầu tư an toàn, được nhiều người ưa chuộng. Mặc dù khả năng ngân hàng phá sản là rất hiếm khi xảy ra nhưng điều này không có nghĩa là nguy cơ không có. Nếu ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm được đền bù như thế nào?
Một ngân hàng có thể bị coi là phá sản khi ngân hàng đó rơi vào trạng thái mất khả năng thanh toán, không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính với khách hàng. Hiện nay nước ta cho phép ngân hàng, các tổ chức tín dụng được yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản.
Theo Điều 155 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 (Điều này được bổ sung bởi khoản 29 Điều 1 Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017) quy định cụ thể như sau:
- Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn lâm vào tình trạng phá sản, thì tổ chức tín dụng đó phải làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Khi nhận được yêu cầu mở thủ tục phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản và áp dụng ngay thủ tục thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về phá sản.
- Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, Ngân hàng Nhà nước thu hồi Giấy phép của tổ chức tín dụng
Thực tế tại Việt Nam hiện nay chưa có một ngân hàng nào bị phá sản. Để một ngân hàng có thể phá sản thì là một điều khá khó khăn, bởi lẽ khi phía ngân hàng thương mại hoạt động không tốt thì phía ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo nhiều biện pháp để cứu vãn. Đồng thời, thủ tục phá sản cũng tương đối phức tạp với nhiều biện pháp phục hồi.
Nếu ngân hàng phá sản, người gửi tiết kiệm có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù.
Để giảm thiểu rủi ro cho người gửi tiền, quy định tại Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 thì các ngân hàng nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ ngân hàng chính sách.
Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 giải thích như sau:
(1) Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
(2) Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
(3) Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.
(4) Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
(5) Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Khi mua bảo hiểm tiền gửi, nếu ngân hàng phá sản, người gửi tiền sẽ được chi trả một khoản tiền trong hạn mức. Trước đây, hạn mức này là 75 triệu đồng, nghĩa là ngân hàng phá sản thì người gửi tiền được chi trả tối đa 75 triệu đồng.
Tuy nhiên, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2021/QĐ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm mới. Cụ thể, theo Quyết định này, số tiền tối đa bảo hiểm trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm (cả gốc và lãi) của một người tại một ngân hàng khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 12/12/2021.
Như vậy, nếu ngân hàng phá sản thì người gửi tiền sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 125 triệu đồng.
Bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.Theo quy định của Luật phá sản, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt cho các đối tượng lần lượt như sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi của người lao động, các khoản tiền gửi.
Mặc dù khả năng ngân hàng phá sản là rất hiếm khi xảy nhưng người gửi tiết kiệm nên cân nhắc, lựa chọn kỹ hơn ngân hàng mà mình muốn gửi tiền vào. Thay vì chỉ gửi tiền vào các ngân hàng có mức lãi suất cao, nay nên tìm hiểu ngân hàng nào thực sự có uy tín, an toàn để gửi gắm.