Trong 16 tính cách MBTI thì ISFP là nhóm tính cách phổ biến với số lượng khoảng 4- 9% dân số thế giới. Vậy ISFP là gì? Những người thuộc nhóm tính cách này có đặc điểm như thế nào? Cùng diadiem247.com tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết này nhé.
ISFP là nhóm tính cách trong 16 nhóm tính cách của trắc nghiệm MBTI được viết tắt ghép lại từ 4 chữ: Introverted: Hướng nội, Sensing: Cảm nhận, Feeling: Cảm xúc, Perceiving: Nhận thức.
ISFP hay còn được gọi là nghệ sỹ thường có những đặc điểm:
Introversion: ưa thích hướng nội nên thường có xu hướng thích sự yên tĩnh, chỉ thích tương tác với những người bạn thân thiết. Việc tiếp xúc xã hội với những người không quen khiến họ tổn thất nhiều năng lượng;
Sensing: Dùng cảm nhận cụ thể nhiều hơn là trực giác, vì vậy họ tập trung sự chú ý vào những chi tiết nhỏ nhặt hơn là bức tranh toàn cảnh, cũng như là những điều xảy ra ngay tại thực tại hơn là những thứ có thể đến trong tương lai;
Feeling: Đưa ra quyết định dựa vào cảm nhận, trạng thái cảm xúc tình cảm, giá trị cá nhân hơn là dựa vào các yếu tố khách quan hoặc quy luật logic;
Perception: Họ không vội đánh giá hay sớm ra một quyết định phán xét quan trọng nào đó, thay vào đó luôn nhìn nhận một cách linh hoạt vấn đề và có thể thay đổi tùy hoàn cảnh.
Nói chung ISFP là những người có đầu óc cởi mở, sẵn sàng tiếp cận cuộc sống với tư duy mới mẻ, thích trải nghiệm và có khả năng nắm bắt cơ hội. Với những người này, cuộc sống chính là một bức tranh và họ chính là một nghệ sĩ. Những người thuộc nhóm tính cách này thường có sự tò mò và luôn mong muốn được thử những điều mới, vì thế mà họ có thể tìm thấy niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. ISFP có thể là một trong những người thú vị nhất mà bạn từng gặp.
Những người nổi tiếng thuộc nhóm tính cách ISFP là: Michael Jackson, Donald Trump, Lana Del Rey, Jungkook, Avril Lavigne, Frida Kahlo, Britney Spears...
Điểm mạnh của nhóm tính cách ISFP
1. Quyến rũ, cởi mở
ISFP là những người thoải mái, ấm áp và ít khi gặp khó khăn khi kết bạn và hòa nhập. Chính điều đó khiến họ trở nên đáng yêu và được yêu thích.
2. Nhạy cảm
Họ dễ dàng liên hệ với người khác và nhận ra trạng thái cảm xúc của họ. Điều này giúp họ thiết lập được sự hòa hợp, thiện chí trong các mối quan hệ, đồng thời giảm thiểu xung đột nhất có thể.
3. Giàu trí tưởng tượng
Các ISFP sở hữu một đầu óc sáng tạo và thường được xem như những người tạo xu hướng, nghĩ ra nhiều ý tưởng táo bạo và khác thường ở mọi lúc. Họ có một trí tưởng tượng sống động và tinh thần khám phá lớn giúp họ có được những trải nghiệm đầy bất ngờ.
4. Đầy đam mê
Những người có loại ISFP có xu hướng có những cảm xúc rất mãnh liệt, nhưng niềm đam mê và sự nhiệt tình của họ thường ẩn giấu bên trong. Họ có rất nhiều đam mê và một khi đã bị cuốn vào thứ gì đó thì những thứ khác có thể tan thành mây khói.
5. Cốt cách nghệ sĩ
Ẩn sâu con người ưa thích khám phá là người nghệ sĩ tài ba. Họ có xu hướng có cảm giác rất tốt về thẩm mỹ và vẻ đẹp có óc tưởng tượng phong phú, ngôn từ ngọt ngào, dạt dào cảm xúc. Nhờ vậy, họ có thể dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật.
1. Quá độc lập
Độc lập, tự do chính là ưu tiên hàng đầu của người thuộc nhóm tính cách ISFP. Bất cứ ai hay điều gì can thiệp vào điều đó sẽ khiến họ vô cùng khó chịu và căng thẳng. Họ có những nguyên tắc riêng cho mình. Không ít lần họ đã tự đẩy mình vào khó khăn vì quá cứng nhắc. Nhược điểm này đã cản trở họ khá nhiều trong quá trình làm việc chung. Thậm chí, họ còn có xu hướng bị cô lập vì khó hòa đồng với mọi người.
2. Không thể đoán trước
Những người thuộc nhóm tính cách này không thích sự cam kết và những kế hoạch dài hạn. Họ có xu hướng chủ động tránh lập kế hoạch cho tương lai và điều này khiến cho mối quan hệ tình cảm có thể trở nên căng thẳng. Đồng thời họ cũng có thể sẽ gặp khó khăn về tài chính sau này.
3. Dễ bị căng thẳng
Những người thuộc nhóm ISFP sống hướng nội, do vậy, họ rất dễ mất kiểm soát khi môi trường thay đổi. Có một nhóm nhỏ gọi là ISFP- T thường có những thay đổi thất thường, sống khép mình với thế giới. Khi tình huống vượt quá tầm kiểm soát, họ có thể trở nên căng thẳng và mất đi sự quyến rũ, sáng tạo của mình.
Không phải lúc nào việc ISFP làm cũng đều được thừa nhận. Họ dễ cảm thấy chán nản và có xu hướng bỏ cuộc. Họ sẽ tin tưởng vào những lời người khác nhận xét về mình và mất đi niềm tin vào bản thân.