Thông tin về địa điểm tỉnh thành phố Việt Nam

Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Nam Định

122 views ngày 05/07/2024

Được đặt tại vị trí thuận lợi, nằm trên bờ sông Hồng là mảnh đất Nam Định giàu truyền thống văn hóa và lịch sử hào hùng. Nơi đây là vùng đất của những con người hiếu khách, những đặc sản nổi tiếng, đặc biệt hơn là những địa điểm du lịch mà bạn không nên bỏ lỡ khi có cơ hội ghé qua xứ Thành Nam. Nhờ có sự hài hòa giữa thiên nhiên cùng với kiến trúc độc đáo, hứa hẹn du khách sẽ có những trải nghiệm khó quên với mảnh đất đầy thân thương này.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau khám phá xem đâu là Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng, không thể bỏ lỡ khi đến với Nam Định. Bạn là người đam mê khám phá, đắm mình trong không gian tươi đẹp của thiên nhiên? Bạn là người muốn tìm hiểu về lịch sử, phong tục hay các cấu trúc cổ kính đặc biệt? Cùng nhau bắt đầu vào hành trình khám phá vùng đất thú vị này nhé!

1. Đền Trần

Giới thiệu

Đền Trần Nam là địa điểm du lịch tại Việt Nam nổi tiếng với lối kiến trúc cổ kính, đậm chất truyền thống, nơi đây thờ 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công với đất nước. Đền Trần nổi tiếng với Lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám. Nơi đây thu hút đông đảo du khách thập phương về dự lễ khai ấn, du lịch, tri ân công đức các vua Trần và cầu khấn những điều may mắn, tốt đẹp.

Lịch sử

Phủ Thiên Trường xưa, nay là Đền Trần là nơi lưu lại dấu ấn của Vương triều nhà Trần. Đây được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long. Năm 1258 khi quân Nguyên Mông tiến vào xâm lược nước ta, quân và dân nhà Trần đã rút khỏi Thăng Long để thực hiện chủ trương “vườn không nhà trống”, lui về Phủ Thiên Trường trú ẩn nhằm huy động sức mạnh toàn dân. Về sau, quân ta đã đánh bại quân Nguyên Mông. 

Tại đây, vua Trần Thái Tông đã tổ chức tiệc chiêu đãi và phong tước hầu cho những tướng tài có công giết giặc vào ngày 14 tháng Giêng Âm lịch. Nghi thức khai ấn được diễn ra để mở đầu cho năm mới, cúng tế các bậc tổ tiên và cầu bình an, may mắn. Vì vậy nên đến tận ngày nay, hàng năm nghi thức Khai ấn đền Trần vẫn được tái hiện lại với những nghi lễ trang trọng, thu hút đông đảo khách thập phương đổ về.

Điểm nổi bật 

Đền Trần mở cửa đón khách hoàn toàn miễn phí. Nếu di chuyển tới đây bằng phương tiện cá nhân thì chỉ mất một khoản nhỏ để gửi xe.

Khu di tích Đền Trần Nam Định bao gồm 3 công trình chính, đó là: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa. Cả ba ngôi đền có kiểu dáng và quy mô gần giống nhau. Phía trước đền có cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ nước trong veo hình chữ nhật. Phía sau hồ chính là đền Thiên Trường.

Gợi ý tham quan

Thời gian lý tưởng để tham quan Đền Trần Nam Định là vào dịp Lễ hội Khai Ấn Đền Trần, diễn ra từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng âm lịch. Đây là nghi lễ truyền thống với mong muốn mang lại may mắn, hạnh phúc cho tất cả mọi người nhân dịp năm mới.

Lưu ý trang phục lịch sự khi đi tham quan tại những nơi thờ cúng, giữ gìn vệ sinh chung và nên đi cùng hướng dẫn viên du lịch để có trải nghiệm tốt hơn trong chuyến hành trình.

Đền Trần Nam Định

2. Chợ Viềng

Giới thiệu

“Mua may bán rủi” là câu nói gắn liền với chợ Viềng tại Vụ Bản, Nam Định. Chợ Viềng diễn ra vào đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng và chỉ họp duy nhất 1 lần trong năm. Phiên chợ đã trở thành 1 phần của ngày Tết tại Nam Định, đây là dịp mua sắm đầu năm, thu hút lượng khách du lịch lớn đổ về.

Theo gia phả họ Trần thì chợ Viềng có từ thời cổ xưa và hình thành theo tục lệ làng xã của người dân địa phương. Từ " Viềng" là từ Hán-Nôm có nghĩa là: thăm hỏi, viếng thăm, trò chuyện.

Điểm nổi bật

Phiên chợ này bán rất nhiều đồ, hàng hóa, tuy nhiên chủ yếu vẫn là nông cụ sản xuất có thể kể đến như thúng, mủng, liềm, xẻng,... có quan niệm cho rằng vào phiên chợ chỉ họp duy nhất 1 lần trong năm, mua nông cụ sẽ giúp họ có mùa màng bội thu, no ấm suốt 1 năm. Tại phiên chợ này có bán cây cảnh với ý nghĩa ban lộc cho gia chủ. Ngoài ra, các loại thịt bò cũng được ưu ái mua về để người mua cảm thấy khi xin được lộc mẫu Liễu Hạnh vì thịt bò được coi là lễ vật để dâng lên Mẫu.

Lưu ý khi tham quan

Cần phải tự bảo vệ tài sản cá nhân khi đi mua bán.

Người dân quan niệm, người bán không nói thách, người mua không mặc cả sẽ mang tới may mắn, thuận lợi cho cả đôi bên, có thêm niềm tin vào những may mắn đầu năm. Vì vậy với ý nghĩa "mua may, bán rủi" đầu năm, khách tới chợ Viềng không nên mặc cả.

Tình trạng gửi xe, đặt phòng nghỉ để tiện tham quan chợ lúc nửa đêm cũng còn nhiều hạn chế. Khách tham quan cần chủ động sắp xếp sớm để hạn chế tình trạng giá vé gửi xe tăng chóng mặt cũng như việc không còn phòng trống để nghỉ ngơi.

3. Bảo tàng Nam Định

Giới thiệu 

Bảo tàng Nam Định được xây dựng từ năm 1958, trước đây còn được gọi là Ty Văn hóa Nam Định. Tham quan bảo tàng Nam Định du khách sẽ được tham quan 3 tầng, trong đó tầng 1 là nơi trưng bày hiện vật và khu hành chính, tầng 2 và tầng 3 là nơi trưng bày các chuyên đề. Bảo tàng Nam Định là nơi có diện tích khá lớn, lưu giữ và trưng bày các hiện vật quý giá, đây là bảo tàng cấp tỉnh được xếp thứ 2 trong hệ thống bảo tàng Việt Nam.

Điểm nổi bật

Toàn bộ không gian của bảo tàng gồm hai phần: Khu trưng bày trong nhà và ngoài trời. Nơi đây lưu giữ hàng nghìn hiện vật, tài liệu phản ánh toàn bộ đời sống và lịch sử xã hội của tỉnh Nam Định qua các thời kỳ. Với mỗi giai đoạn đều tương ứng với những bộ sưu tập hiện vật riêng như: Đất nung thời Lý, điêu khắc tháp Chương Sơn, đồ gốm thời Lê - Mạc, kiến trúc thời Trần, những hình ảnh về Thành Nam, Trường thi Hương dưới nhà Nguyễn. 

Hiện tại, bảo tàng này lưu giữ khoảng 20 nghìn loại tài liệu và hiện vật từ nhiều thể loại. Bảo tàng cũng là nơi thường xuyên tổ chức những buổi triển lãm cổ vật tinh hoa thuôc khu vực đồng bằng sông Hồng thu hút đông đảo du khách tham gia

Nơi đây gây ấn tượng với phần trưng bày cố định về những hiện vật thời Trần và Lý. Khu trưng bày ngoài trời chủ yếu là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, tôn giáo từ thế kỷ XIII - XX. Đặc biệt, trong khuôn viên của bảo tàng Nam Định còn có di tích Cột Cờ được xây dựng từ đầu thế kỷ XIX dưới thời nhà Nguyễn. Đây chính là nơi thờ Giám Hương công chúa người đã có công cất giữ kho lương thực của quân dân trong cuộc chiến chống Pháp. Ngoài ra, tại khu di tích Cột Cờ còn trưng bày những hình ảnh và tư liệu về Thành Nam thời xưa. 

Lưu ý khi tham quan

Trang phục lịch sự gọn gàng và không ồn ào khi tham quan. 

Không được sờ tay và trèo, ngồi lên hiện vật để chụp hình. 

Có thể mang máy ảnh, máy quay để chụp hình tại bảo tàng.

Thời gian mở cửa: Buổi sáng từ 8h - 11h và buổi chiều từ 14h - 17h. Vé tham quan bảo tàng miễn phí. 

Đối với khu ngoại thất và di tích Cột cờ mở cửa vào tất cả các ngày trong tuần kể cả Chủ Nhật. Hệ thống trưng bày tại bảo tàng, mở cửa vào ngày thứ 3 - 5 - Chủ Nhật, ngày lễ Tết. 

4. Vườn quốc gia Xuân Thủy

Giới thiệu

Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm tại vị trí đắc địa tại Nam Định, sở hữu hệ sinh thái ấn tượng cùng phù sa bồi đắp màu mỡ với thiên nhiên và cảnh vật độc đáo. Đặc biệt, nơi đây hiện đã chính là ngồi nhà của nhiều loài chim quý hiếm, bạn có thể dễ dàng cảm nhận sự hoang sơ, thuần khiết khác biệt.

Điểm nổi bật

Diện tích của vườn quốc gia lên đến 15.000m2, trong đó có vùng lõi chiếm 7.100 ha, vùng đệm rộng là 7.233ha. Với quy mô lớn hiện vùng ngập mặn này trải dài trên 5 xã khác nhau tại Nam Định là: Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải.

Sau một thời gian dài đến năm 1989, vườn quốc gia Xuân Thủy đã trở thành vùng đất ngập mặn đầu tiên tại Đông Nam Á nằm trong danh sách tham gia vào công ước RAMSAR. Điều này cho thấy rõ tầm quan trọng của khu vực ngập mặn trong việc bảo vệ, sinh tồn của các loài chim quý.

Vườn quốc gia Xuân Thủy nằm ở phía Nam của cửa sông Hồng. Nơi đây may mắn được bồi đắp phù sa từ một trong những con sông lớn nhất Việt Nam và trở thành vùng đất ngập mặn quy mô. Đến nay, đây đã trở thành ngôi nhà của nhiều loài thực vật, cùng nhiều loài chim quý hiếm lựa chọn sinh sống.

Gợi ý tham quan

Chủ động trong việc chọn, đặt chỗ khách sạn để thuận tiện cho việc nghỉ chân.

Tham gia đi thuyền, trải nghiệm bắt ngao, cắm trại giữa thiên nhiên,... sẽ là những trải nghiệm đáng nhớ trong chuyến hành trình này.

Đây là cơ hội để những người yêu thiên nhiên, đam mê khám phá có thể tìm hiểu hệ sinh thái và rừng ngập mặn, tham quan những kiến trúc được xây dựng độc đáo. Trong đó có những địa điểm nổi bật như: nhà Bối, nhà thờ, chùa chiền,... sự kết hợp giữa phong cách hiện đại và cổ xưa mang đến cảm giác mới lạ rất riêng.

Tháng 10 - tháng 4 là khoảng thời gian mà các loại chim thường sẽ bay về khá đông đúc, tạo nên không gian nhộn nhịp hơn hẳn. Đây sẽ là thời điểm thích hợp để có 1 chuyến đi du lịch tham quan vườn quốc gia Xuân Thủy cùng gia đình.

Lưu ý khi tham quan

Nên chuẩn bị sẵn lương thực, nước uống.

Giữ gìn vệ sinh chung, tránh đi vào những ngày mưa để chuyến đi được trọn vẹn nhất.

Du khách nên tham khảo trước về điều kiện thời tiết, khí hậu trước khi quyết định đến vườn ngập mặn. Nên mang theo kem chống nắng và thuốc xịt chống muỗi, côn trùng trong thời gian tham quan.

Ưu tiên chọn các trang phục có khả năng thấm hút mồ hôi, co giãn và gọn gàng để giúp quá trình di chuyển dễ dàng hơn, mang giày thể thao thay vì dép hoặc giốc trong quá trình tham quan, giúp đôi chân của bạn dễ chịu, hạn chế tình trạng đau đớn hoặc sưng tấy chân. Chuẩn bị áo dài tay, nón hoặc ô để quá trình di chuyển không bị ảnh hưởng bởi thời tiết quá nhiều.

Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Nam Định

5. Tượng đài Trần Hưng Đạo – Nam Định

Giới thiệu

Một trong nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Nam Định, tượng  đài được xây dựng lên để tưởng nhớ, phản ánh lại thần thái của vị Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Tượng Đài Trần Hưng Đạo được đặt tại quảng trường 3-2 (TP Nam Định), bên hồ Vỵ Xuyên.

Đây là nơi thu hút khách du lịch đến viếng thăm và thắp hương để tri ân công đức của vị anh hùng hào kiệt của dân tộc Việt Nam. Đây cũng đã trở thành địa điểm check-in cực HOT ngay giữa lòng thành phố Nam Định được nhiều đoàn khách, bạn trẻ đến tham quan và chụp hình.

Điểm đặc biệt

Tượng đài được dựng vào năm 2000 nhân kỷ niệm 700 năm ngày mất của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Bức tựng cao 10.22 M với khối lượng hơn 21 tấn, đặt trên bệ cao 6,5 m bức tượng được đúc bằng đồng nguyên chất với hệ thống điện chiếu sáng phù hợp với toàn cảnh trên Quảng trường rộng hơn 1ha đã góp phần bổ trợ làm tăng thêm vẻ đẹp, sự tôn kính của tượng đài. Tay phải bức tượng cầm cuốn thư nghĩa là tác giả đề cao chữ "Trí". Tay trái bức tượng đặt lên đốc kiếm trong tư thế tự vệ chứ không cầm kiếm trong tư thế nghênh chiến với ý nghĩa là đề cao chữ "Nhân". Nghĩa là luôn đề cao tư tưởng yêu chuộng hòa bình của Hưng Đạo Vương nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.

Tay trái bức tượng là tay võ được chống vào đốc gươm thể hiện sự tự tin, mãnh liệt. Hai chân của vị anh hùng sẽ được thiết kế trong tư thế chắc chắn, đầu hơi xoay nghiêng so với phần vai để không bị cứng nhắc. Bức chân dung tượng đài Trần Hưng Đạo sau khi hoàn thành được đánh giá rất đẹp và có thần nhất là phần khuôn mặt và đôi bàn tay.

Để đưa được bức tượng lên độ cao như thế, nghệ nhân đã phải đúc tượng thành 9 khoanh (khoanh nặng nhất là 2,8 tấn, khoanh nhẹ nhất cũng nặng đến 1,8 tấn ). Tượng đài được xây dựng với quy mô hoành tráng, cùng với chất liệu quý đã thể hiện tấm lòng tôn kính, luôn hướng về nguồn cội nhân dân Nam Định.

Gợi ý tham quan

Về tổng thể khu vực tượng đài và toàn bộ quảng trường 3 - 2 sở hữu diện tích rộng lớn lên đến 10.000 m2 và được đánh giá là một trong những công trình văn hóa hoành tráng và mang tầm cỡ thế kỷ. Tượng đài Trần Hưng Đạo chính là biểu tượng của sức mạnh vươn lên của dân tộc Việt Nam. Và quảng trường 3 - 2 nơi đặt tượng đài Hưng Đạo Vương giờ đây đã trở thành điểm đến vui chơi của người dân địa phương và du khách trong và ngoài tỉnh.

Xung quanh khu tượng đài còn được sắp xếp cây nến, cọc biểu trưng cho chiến thắng Bạch Đằng, bồn hoa, sân đương, thảm cỏ, hệ thống đèn điện chiếu sáng trên quảng trường 3 - 2 rộng hơn 1ha. Chính điều đó sẽ tôn lên vẻ đẹp uy nghi, lộng lẫy và thể hiện sự tôn kính cho bức tượng. 

Bên cạnh đó, một số hạng mục cũng được chú ý đến như: 14 cột cờ biểu thị cho 14 đời vua Trần, những lớp sống nước Bạch Đằng đã được tái hiện lại ở thảm cỏ bên phải và bên trái bức tượng nhằm gợi nhớ lại các chiến công hiển hách, oai phong, lẫm liệt của quân dân Đại Việt và Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Nam Định

6. Chùa Cổ Lễ

Giới thiệu

Chùa Cổ Lễ là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Nam Định nói riêng và của nền văn hóa châu thổ sông Hồng nói chung. Chùa Cổ Lễ, thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, Nam Định) là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, một di tích lịch sử – văn hoá đặc biệt cấp Quốc gia của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Ngôi chùa cổ xuất hiện từ thời nhà Lý, có tên tự là chùa “Thần Quang”tọa lạc tại trung tâm thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Trải qua quá trình tôn tạo trùng tu, chùa có dáng vẻ, sắc thái riêng; trong đó đặc biệt nổi bật là phong cảnh kiến trúc độc đáo, mang yếu tố “cửa Thiền trên nền văn hóa dân tộc, phương Đông kết hợp với phương Tây”.

Lịch sử

Chùa Cổ Lễ nguyên được xây dựng từ thời Lý Thần Tông do quốc sư Nguyễn Minh Không sáng lập để thờ phật. Chùa đầu tiên bằng gỗ theo lối kiến trúc cổ. Tuy nhiên chùa ban đầu này đã bị đổ nát. Năm 1902, sư Phạm Quang Tuyên về trụ trì, cho thiết kế và xây dựng lại chùa theo kiến trúc "Nhất Thốc Lâu đài" với những yếu tố kiến trúc gô-tích giống như các nhà thờ Công giáo có khá nhiều ở khu vực lân cận. Sau đó, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Vật liệu xây dựng là gạch, vôi vữa, mật mía, giấy bản tạo nên độ cố kết vững bền của toàn bộ kiến trúc ngôi chùa.

Điểm đặc biệt

Chùa Cổ Lễ là sự hòa nhập các yếu tố kiến trúc cổ truyền Việt Nam với các yếu tố kiến trúc Gothic của Châu Âu. Đây là một ngôi chùa thờ Phật nhưng lại mang dáng dấp một thánh đường Thiên Chúa Giáo

Chùa Cổ Lễ là một chỉnh thể gồm nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trải rộng theo hướng Đông Tây như: cổng chùa, Tháp Cửu phẩm liên hoa, cầu cuốn, Tam quan, Phật giáo Hội quán, Đền thờ Trần Hưng Đạo (Linh Quang từ), Phủ Mẫu, chùa chính, nhà Tổ, nhà khách, phòng tăng, pháp đường, gác chuông “Kim Chung Bảo Các”.... Trong chùa còn có Đại Hồng Chung, quả chuông lớn nhất cả nước cao 4,2m, nặng 9 tấn. 

Hội chùa từ 13 đến 16 tháng 9 Âm lịch hàng năm, có nhiều nghi thức văn hóa cổ truyền giàu tính nhân văn như lễ rước Phật, đấu vật đánh cờ người..., đặc biệt là được xem cuộc thi bơi chài truyền thống trên dòng sông uốn lượn quanh chùa.

Gợi ý tham quan

Lưu ý trang phục lịch sự khi đi tham quan tại những nơi thờ cúng, giữ gìn vệ sinh chung.

Tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32m, được xây dựng vào năm 1926. Tháp này có chín tầng, tượng trưng cho chín phẩm của Bồ Tát. Mỗi tầng của tháp đều được trang trí công phu, mang ý nghĩa sâu sắc về mặt tôn giáo.

Không chỉ có kiến trúc độc đáo, chùa Cổ Lễ (Trực Ninh, Nam Định) còn lưu giữ một "báu vật" nằm ngay giữa lòng hồ trước chính điện đó là một quả chuông nặng 9000 kg gọi là chuông Đại Hồng Chung. Quả chuông này chưa được đánh một lần nào nhưng dân gian truyền miệng khi đánh lên thì cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng ngân của chiếc chuông Đại hồng chung này. Đây là một trong những quả chuông lớn nhất ở Việt Nam

7. Nhà thờ đổ Hải Lý

Giới thiệu

Nhà thờ đổ Hải Lý thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu (Nam Định) mang nét đẹp hoang sơ cùng kiến trúc độc đáo đã thu hút lượng lớn khách du lịch tham quan mỗi khi ghé thăm Nam Định. Nhà thờ đổ Hải Lý được coi là chứng tích của biến đổi khí hậu.

Lịch sử

Nhà thờ đổ Hải Lý còn có tên gọi chính là nhà thờ họ Trái tim Chúa được xây dựng từ năm 1877. Ban đầu, nhà thờ được xây dựng rất đơn sơ, từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, nơi đây bị biển xâm thực nhanh chóng. Nhà thờ Trái tim Chúa được di chuyển vào sâu phía trong, cách khoảng 3 km so với vị trí cũ.

Năm 1917, nhà thờ họ Trái tim Chúa được xây dựng lần thứ 2 với quy mô lớn theo thiết kế của kiến trúc sư người Pháp tại vị trí hiện nay với thiết kế tinh xảo và đẹp mắt. Nhưng với sự xâm lấn mạnh của biển và sự khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ Trái tim Chúa cùng một số nhà thờ khác lại phải di chuyển vào sâu trong đất liền và được xây dựng lần thứ 3.

Năm 2005, cơn bão số 7 với sức tàn phá khủng khiếp đã phá hủy toàn bộ tuyến đê bao bên ngoài, “xóa sổ” ngôi làng chài dọc bãi biển Xương Điền - Văn Lý đồng thời “cuốn” theo các nhà thờ ven biển. Trong số đó chỉ còn lại duy nhất nhà thờ họ Trái tim Chúa vẫn giữ được tháp chuông, nền và một phần tường phía Bắc như dấu tích còn sót lại hiện nay.

Điểm đặc biệt

Nhà thờ đổ vẫn có sự đặc biệt, với những gì còn lại vẫn toát lên vẻ đẹp cổ kính và bí ẩn, những bức tường đá và cột trụ còn sót lại dù phần lớn công trình đã bị phá hủy. Tất cả là minh chứng sống động cho lịch sử và biến động tự nhiên của vùng đất này. Dù cho bị thiên nhiên tàn phá, nhà thờ đổ vẫn đứng vững như một biểu tượng của sự bền bỉ và hy vọng. 

Gợi ý tham quan

Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngắm bình minh, hoàng hôn tại nơi đây, khung cảnh sẽ cực kì ấn tượng, lãng mạn.

Tham quan vào khi thủy triều rút sẽ giúp du khách dễ dàng khám phá hơn mà không bị sóng biển cản trở.

Trang phục thoải mái, thuận lợi khi di chuyển, đừng quên mang theo nón, kính râm và kem chống nắng để bảo vệ bản thân khỏi tác động của ánh nắng mặt trời.

Có thể cân nhắc thuê 1 chiếc xe đạp để tận hưởng sự yên tĩnh, lãng mạn và trong lành của biển cả, bạn sẽ cảm thấy thật thư giãn sau những ngày căng thẳng, mệt mỏi. Hoặc dành chút thời gian ngồi ngắm cảnh biển, lắng nghe tiếng sóng vỗ và tận hưởng không khí thanh bình, yên tĩnh.

Bạn cũng có thể tham quan làng chài gần đó để tìm hiểu về cuộc sống và công việc của ngư dân địa phương và thưởng thức những món hải sản tuyệt vời nơi đây.

Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Nam Định

8. Cột cờ – Nam Định

Giới thiệu

Cột cờ Nam Định được biết đến là một công trình lịch sử, gắn liền với nhiều thế hệ người dân Nam Định. Không chỉ là một kiến trúc xây dựng thông thường, mà đây còn là niềm tự hào của người dân, cùng dân tộc Việt Nam qua nhiều thời kỳ.

Cột cờ Nam Định, thời xưa gọi là Kỳ đài Thành Nam, là một trong bốn cột cờ cổ xưa nhất cả nước, được xây dựng vào đầu thời Nguyễn.

Lịch sử

Cột cờ Thành Nam gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng. Ngày 27/3/1883, tàu chiến của Pháp từ sông Đào bắn phá vào trong Thành. Tại cột cờ, ở độ cao 11m, về phía Nam còn một vết đạn cắm sâu vào 4cm, đường kính 6cm. Thời kỳ hoạt động bí mật, nhiều cán bộ, Đảng viên vẫn lấy Cột cờ làm nơi liên lạc và sinh hoạt để bàn kế chỉ đạo phong trào. Năm 1967, Nam Định bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Đỉnh Cột cờ là nơi tổ quan sát máy bay do đồng chí La Vĩnh Hào - tự vệ nhà máy Dệt chỉ huy làm nhiệm vụ viễn tiêu.

Ngày 11-6-1972, máy bay Mỹ lao vào đánh phá thành phố Dệt. Vào hồi 10 giờ 10 phút sáng, chúng đã bắn rocket và ném bom trúng vào khu vực Cột cờ làm sập toàn bộ công trình kiến trúc cổ kính này. Năm 1997, kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng thành phố Nam Định, Cột cờ đã được phục dựng lại nguyên dạng.

Gần hai thế kỷ qua, cột cờ Thành Nam đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử, sự đổi thay của đất nước, quê hương. Đây là một công trình kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa và còn là biểu tượng khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào, quyết tâm sắt đá bảo vệ chủ quyền, độc lập, tự do của Tổ quốc Việt Nam. Hàng năm, nơi đây đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan và thắp hương tưởng nhớ Bà chúa Cột cờ. Năm 1962, Cột cờ Nam Định đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.

Điểm đặc biệt

Phần sân cột cờ có thiết kế cổ kính. Sự kết hợp giữa kiểu xây dựng hình vuông và lan can 4 phía mang lại cảm giác chắc chắn cho sân hành lễ ngày xưa. Phía Nam được đặt hai khẩu súng thần công, còn phía Đông đặt lư hương của các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trong giai đoạn chống Pháp năm 1873 và 1883.

Chân đế cột cờ có hai bệ vuông được xếp chồng lên nhau, bệ trên có kích thước nhỏ hơn so với bệ dưới. Xung quanh mỗi bệ đều được xây dựng lan can chắc chắn, giúp quá trình tham quan an toàn hơn. Về kích thước bể dưới là 16,33m; cao 2,4m, bệ trên dài 11,42m; cao 3,1m. Tại khu vực phần đệ trên sẽ có cổng đi vào thân của cột cờ, có 2 cửa bạn có thể chọn là cửa phía Đông và phía Nam. Ngay dưới phần bệ còn có đền thờ Bà chúa Cột cờ - giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh, liệt sĩ nữ đã hy sinh trong quá trình chống Pháp xâm lượng vào thời gian 11/12/1873.

Phần thân của cột cờ tại Nam Định cao khoảng 12,65m, với lối kiến trúc thu nhỏ dần về phía trên khá ấn tượng. Phần phía dưới của thân cột cờ Nam Định được xây dựng hình trụ bát giác mỗi cạnh 2,2m, phần thân trên có hình tròn đáy là 3,25m. Bên trong của thân cột cờ được xây dựng cầu thang xoắn ốc gồm 54 bậc, có 32 cửa sổ lấy ánh sáng tự nhiên và bố trí đều trên 8 mặt thân cột. Nếu đứng từ trên vọng canh hướng mắt ra xa, bạn sẽ không khỏi bị thu hút trước cảnh quan thiên nhiên trù phú của Nam Định. Bên cạnh đó, toàn cảnh các tỉnh như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam cũng trở nên rõ ràng và ấn tượng.

Để có thể tạo nên công trình chắc chắn, trải qua thời gian dài nhưng vẫn duy trì sự bền vững, người dân Nam Định cuối thế kỷ XIX đã sử dụng các chất liệu gạch đặc biệt khác nhau ở mỗi vị trí khác nhau. Với sự kết hợp của những loại gạch rắn chắn, có độ bền ấn tượng đã tạo nên cho tổng quan công trình sự bền vững. Mặc dù đã trải qua nhiều năm xây dựng, nhưng cột cờ vẫn sừng sững giữa trời và giương cao lá cờ Tổ quốc hào hùng.

Lưu ý khi tham quan

Giữ gìn vệ sinh chung, giữ gìn trật tự nơi công cộng.

Nên chọn thời điểm đi vào ngày thường vào khoảng 8h:00 - 17:00, vì cuối tuần sẽ có đông người hơn.

Trang phục phù hợp, ưu tiên đi giày bệt, giày thể thao để việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn.

Khi di chuyển lên cầu thang bạn cần chú ý cẩn thận, đặc biệt với những gia đình có trẻ nhỏ. Bởi cầu thang lâu ngày bị ẩm mốc và bám rong rêu nên dễ trơn trượt.

Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Nam Định

9. Cánh đồng muối Bạch Long – Giao Thủy

Giới thiệu 

Cánh đồng muối Bạch Long có vị trí tại xã Bạch Long, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định. Xã Bạch Long là một trong các xã có ruộng muối lớn nhất khu vực Bắc Bộ với diện tích lên đến 230ha. Từ xa xưa nơi đây vốn là vùng đất được bãi biển bồi đắp, sau đó người dân từ mọi miền đến đây sinh sống, lập nên làng xã trước cả khi thực dân Pháp xâm lược.

Nơi đây được coi là hiện thân của những diêm dân 'cõng nắng'. Đặc biệt hơn, cánh đồng muối Bạch Long - Giao Thủy cũng lọt vào TOP cánh đồng muối đẹp nhất của khu vực Bắc Bộ với khoảng 1.000 hộ dân tham gia nghề làm muối.

Muối từ Bạch Long không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn được xuất khẩu, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế địa phương.

Điểm đặc biệt

Vì là vùng ven biển, thế nên ở Bạch Long không thể trồng được lúa nước như ở các vùng quê khác Việt Nam. Nhưng thay vào đó, Bạch Long sở hữu nguồn nước mặn dồi dào thế nên nghề làm muối như là 1 nghề truyền thống có từ hàng trăm năm nay. Và xã Bạch Long cũng là 1 trong những xã độc canh về sản lượng muối lớn nhất của huyện Giao Thủy với lượng muối hàng năm đạt hàng chục ngàn tấn.

Vào mùa muối, cánh đồng muối Bạch Long phủ một màu trắng xóa, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp và thơ mộng. Những ô muối vuông vức trải dài đến tận chân trời, phản chiếu ánh nắng tạo ra một bức tranh tự nhiên tuyệt vời, dù là khoảnh khắc nào, nơi đây vẫn đẹp lại được cảm giác rất đặc biệt và hứa hẹn sẽ là trải nghiệm đáng nhớ với du khách.

Du khách có thể theo dõi quá trình làm muối của người dân nơi đây, từ đó phản ánh rõ nét cuộc sống lao động của người dân làng muối, chúng ta sẽ trân trọng công sức của họ, chia sẻ sự vất vả để làm ra hạt muối.

Lưu ý khi tham quan

Cẩn thận khi di chuyển và giữ gìn vệ sinh chung.

Đem theo đủ nước uống để tránh mất nước trong quá trình tham quan.

Khi gặp người dân đang làm việc thì hãy tôn trọng và tránh cản trở hay làm phiền quá trình làm muối của họ.

Thường từ tháng 3 đến tháng 9 sẽ là mùa làm muối, có thể cân nhắc thời gian để chứng kiến cư dân ở đây lao động.

Để có cơ hội chụp được những bức ảnh đẹp với ánh sáng mềm mại, thời tiết dễ chịu thì nên tham quan vào sáng sớm hoặc chiều muộn vì thời tiết ở đây thường nắng gắt vào giữa ngày.

Trang phục thoải mái, phù hợp với thời tiết nóng ẩm, tránh giày cao gót hoặc giày không phù hợp với địa hình. Đừng quên mang theo mũ, nón, kính râm và sử dụng kem chống nắng để bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời.

Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng mà bạn không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Nam Định

10. Lễ hội Phủ Dầy

Giới thiệu

Hội Phủ Dầy là một lễ hội truyền thống của Việt Nam, được tổ chức hàng năm vào tháng 3 âm lịch tại làng Vân Cát- Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Lễ hội nhằm tổ chức nghi lễ, thắp hương biết ơn Thánh Mẫu Liễu Hạnh, là một trong 4 vị thánh bất tử của dân tộc ta ( Tản Viên sơn thánh- Thánh Gióng- Chử Đồng tử- Mẫu Liễu).Lễ hội ở Phủ Dầy được tổ chức kéo dài 10 ngày :từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh là một nhân vật quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, có công bảo vệ đất nước và giúp đỡ nhân dân, biểu tượng của sự che chở, bảo vệ và mang lại may mắn, tài lộc cho người dân.

Điểm đặc biệt

Hằng năm, cứ vào mùa lễ hội, đông đảo tín đồ theo đạo Mẫu và du khách thập phương lại trở về Phủ Dầy thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu, đồng thời tham quan chiêm ngưỡng một quần thể kiến trúc độc đáo, nơi khởi nguồn của nghệ thuật hát chầu văn.

Lễ hội ở Phủ Dầy được tổ chức kéo dài 10 ngày :từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch và theo các phong tục sau :

  • Ngày mồng 1 hai thôn Tiên Hương và Vân Cát tế cáo mở cửa phủ người ta gọi là tế khai hội.

  • Ngày mồng 2 Tiên Hương rước nước ở Giếng về “mộc dục” Thánh tượng, sau đó làm lễ bái yết cáo.

  • Ngày mồng 3 là chức quốc tế long trọng, chủ tế thường là quan tổng đốc Nam Định hoặc quan lại triều đình.  Lễ vật thường có bánh dầy, lợn sống, xôi, rượu, hoa quả …

  • Ngày mồng 4 chính giỗ ở Phủ Vân Cát, các quan chức triều đình: huyện,tổng,xã và con nhang đệ tử cùng nhân dân đều túc trực tế lễ chu đáo theo nghi thức long trọng.

  • Ngày mồng 5 Phủ Vân Cát rước Thánh Mẫu lên Chùa Dần (Vân Tháp Tự) ở xã Trung Thành lễ Phật rồi rước về.

  • Ngày Mồng 6 Phủ Tiên Hương rước Thánh Mẫu xuống chùa Gôi (Tiên Sơn Tự), nhưng gần đây rước lên chùa Báng (chùa Linh Sơn).

  • Vào các ngày mồng 7,8,9 còn có hội “Kéo Chữ” hay còn gọi là hội hoa trượng rất đẹp mắt và độc đáo  so với các hội khác.

Lễ hội Phủ Dầy bao gồm nhiều hoạt động: Dâng hương và lễ tế, hát văn, hầu đồng, rước kiệu Thánh Mẫu, các trò chơi dân gian, văn hóa,... Đây hứa hẹn sẽ là 1 địa điểm đáng trải nghiệm trong chuyến hành trình du lịch tại Nam Định.

Lưu ý khi tham quan

Chú ý thời gian tổ chức lễ hội (từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch)

Nên mặc trang phục lịch sự, phù hợp với không gian linh thiêng.

Tự bảo quản tài sản cá nhân, không nên chủ quan.

Giữ gìn vệ sinh chung tại nơi linh thiêng.

Tuân thủ các quy định của ban tổ chức lễ hội và tôn trọng không gian thờ cúng.

TỔNG KẾT

Nam Định mang vẻ đẹp huyền bí, cùng với truyền thống lâu đời hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm khó quên. Hãy dành thời gian khám phá mảnh đất này để cảm nhận nhiều hơn những gì mà Nam Định mang lại. Chuyến đi đến Nam Định sẽ là một hành trình đáng nhớ trong tâm trí mỗi du khách ghé thăm.

Vừa rồi chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về Top 10 địa điểm du lịch nổi tiếng, không thể bỏ lỡ khi đến với Nam Định. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ích cho những chuyến hành trình tuyệt vời của bạn cùng Nam Định.

 

3.8/5 từ 11 lượt đánh giá.

----