Kon Tum là một tỉnh thành thuộc Tây Nguyên, nơi đây không chỉ sở hữu nhiều cảnh đẹp mang đậm dấu ấn của núi rừng mà còn rất nổi tiếng với nền ẩm thực phong phú và đa dạng. Ngay sau đây diadiem247.com sẽ mang đến cho bạn những món đặc sản Kon Tum thơm ngon nhất để khi có dịp đến đây bạn có thể thưởng thức cùng bạn bè, người thân. Cùng theo dõi nào!
Kon Tum rất nổi tiếng với món bún đỏ, món bún này cách chế biến đơn giản hơn so với các món bún bò, bún chả cá hay bún mắm… Nguyên liệu của nó gồm có cua đồng, chả viên, trứng cút luộc… Điều tạo nên điểm nhấn của bún đỏ chính là màu đỏ của hạt điều, cà chua trông rất bắt mắt và hấp dẫn. Người Kon Tum thường thưởng thức bún đỏ với các loại rau cần đước, giá cùng mỡ hành, mỡ tóp… Đến với Kon Tum vào thời tiết se lạnh còn gì tuyệt vời hơn được thưởng thức tô bún đỏ nóng hổi, thơm ngon đậm vị.
Gỏi lá được làm từ nhiều loại rau khác nhau, điển hình như lá cải, đinh lăng, tía tô, lá sung, lá mơ, hành, rau húng… cũng như các loại lá như lá xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, ngũ gia bì… và nhiều loại rau lá khác nữa. Thêm vào đó là các nguyên liệu như thịt ba chỉ luộc, cá chép, tôm luộc, bì lợn… và các gia vị muối, hạt tiêu, đường…
Đặc biệt, kỳ công nhất của món này đó là làm nước chấm từ gạo nếp, tôm khô, thịt ba chỉ, mè, sa tế. Khi ăn, lấy lá cải hoặc lá mơ làm lá cuốn rồi cho thêm lá chua và một vài lá khác cuốn thành cá phễu nhỏ. Cho miếng thịt ba chỉ, tôm, bì lợn vào trong chiếc phễu ấy và thêm hạt tiêu, muối hạt, ít nước chấm. Sau đó có thể thưởng thức ngay. Món gỏi lá có hương vị rất đặc biệt, tổng hợp của nhiều loại lá khác nhau. Nếu ăn quen bạn sẽ thấy rất ngon.
Đặc sản Kon Tum không thể nào thiếu rượu ghè. Rượu ghè được làm từ gạo nếp hoặc sắn và một loại men đặc biệt, ủ kín trong một thời gian dài sẽ cho ra những giọt rượu vị ngọt lịm, dậy mùi thơm. Điều tạo nên sự khác biệt giữa rượu ghè và các loại rượu khác đó là nhờ vào loại men ủ. Men được làm từ nhiều loại rễ cây, lá cây được người đồng bào kiếm trong rừng sâu.
Sau khi đem rễ và lá cây về người dân sẽ giã nhuyễn trộn lẫn với nhau để tạo vị ngọt rồi phơi khô. Mỗi lần nấu chỉ cần lấy men rắc đều chiếc ghè có sẵn gạo, ngô theo tỉ lệ thích hợp, sau đó bịt kín bằng lá chuối và ủ khoảng 15 ngày là có thể dùng được.
Heo quay Măng Đen cũng là món đặc sản Kon Tum thơm ngon được nhiều thực khách yêu thích. Heo được chọn quay là giống heo rẫy của dân tộc bản địa. Heo được nuôi bằng thức ăn tự nhiên nên thịt rất săn chắc, thơm, ngọt và bổ dưỡng. Heo sau khi được làm sạch sẽ, mổ nội tạng được tẩm ướp gia vị như ủ nén, ngò gai, gốc mùi, sả, ớt… sẽ được quay trên bếp than hồng. Đến khi lớp da heo vàng giòn rộm, tỏa mùi thơm lừng thì có thể chặt khúc vừa ăn chiêu đãi thực khách.
Cá chua là món ăn dân dã nhưng rất ngon nên được xếp vào đặc sản Kon Tum. Cá chua là loại lá giống cá trôi sinh sống nhiều ở sông suối. Cá bắt về được sơ chế kỹ lưỡng, cắt thành khúc rồi để ráo nước. Tiếp đến là công đoạn ướp cá với muối, lá bép, ớt, thính ngô rồi đưa cá vào từng ống lồ ô khô nút hai đầu thạt kín xong cho lên gác bếp. Khoảng vài ngày sau là có món cá chua độc đáo đầy đủ hương vị. Khi thưởng thức bạn sẽ cảm nhận được vị mặn của muối, vị cay của ớt rừng, vị ngọt dịu nhẹ của lá bép, cùng hương thính ngô thơm lừng.
Cá gỏi kiến vàng là món ăn đặc sản của người dân tộc Rơ Măm ở Kon Tum. Món này bao gồm các nguyên liệu như cá suối, kiến vàng non, trứng kiến. Thêm vào đó là các gia vị như muối hột, ớt xanh, tiêu rừng, thính gạo bột gạo rang cháy xém. Khi ăn lấy lá sung cuốn lại và thưởng thức. Món ăn có vị ngọt của cá suối hòa cùng vị béo của kiến non, cùng với đó là vị cay của tiêu, ớt tạo nên hương vị rất tuyệt vời.
Đến Kon Tum nếu bạn vẫn chưa biết mua gì về làm quà thì gợi ý dành cho bạn là rượu sim. Nguyên liệu để chế biến nên món rượu sim gồm những quả sim chín mọc tự nhiên ở vùng đất cao nguyên này. Để có những bình rượu sim ngon người dân tộc Cơ Tu, Xê Đăng ở Măng Đen phải dậy từ sáng sớm tinh sương để hái sim sau đó đem về ủ rượu. Rượu sim có hương vị rất ngon, tốt cho sức khỏe nên được nhiều người ưa chuộng.
Món ăn từ dế này cũng là một đặc sản ở Kon Tum bạn nên thử qua dù chỉ một lần. Để có món dế chiên thơm ngon người đồng bào ở đây sẽ đi bắt dế về rửa sạch sẽ để ráo nước rồi cho vào chảo dầu chiên lên. Phần gia vị thì gồm có ớt, lá chanh, sả thái nhỏ, mắm, muối, bột ngọt, đường… Đến khi dế chín vàng đều, gia vị thấm là có thể tắt bếp và thưởng thức ngay.
Người đồng bào Kon Tum cũng thường ăn thịt chuột đồng bằng cách nướng hoặc gác bếp. Chuột sau khi làm sạch sẽ xát ít muối rồi lấy que tre xiên thẳng. Tiếp đến là nướng thịt trên bếp than hồng đến khi chín là có thể thưởng thức ngay. Thịt chuột đồng thường được ăn kèm với xoài rừng chua, muối tiêu rừng, và các loại lá rừng khác… rất kích thích vị giác.
Cà đắng là món ăn dân dã có thể nói là thường nhật của người dân tộc ở Kon Tum. Loại cà này mọc rất nhiều ở vạt ven những ngọn đồi, bờ suối, có quả nhỏ như cà pháo hoặc quả hình thuôn dài, màu xanh sậm, sọc trắng dọc quả. Cà đắng được chế biến thành nhiều món, có thể xiên que rồi nướng lên hoặc kho với cá thịt, tôm tép… Khi ăn có vị đắng nhẫn nhưng hương vị rất đặc biệt càng ăn càng thích.
Món xôi măng cũng là đặc sản Kon Tum bạn nên nếm thử khi đến với vùng đất Tây Nguyên này. Cách chế biến món này cũng khá đơn giản: Măng rừng tươi làm sạch, thái miếng vừa ăn rồi xào với các gia vị. Gạo nếp chọn loại ngon nhất đồ thành xôi, khi xôi chín ăn kèm với măng xào. Tuy món ăn khá đơn giản nhưng có sức hấp dẫn rất kỳ lạ, miễn nguyên liệu tươi ngon là đủ đánh gục bao tín đồ ẩm thực.
Thịt nhím cũng là món ăn khoái khẩu của du khách thập phương khi đến với núi rừng Kon Tum. Thịt nhím có vị ngọt, tính lạnh rất bổ dưỡng và đặc biệt là hương vị rất tuyệt vời. Nhím được làm sạch sẽ, tẩm ướp gia vị rồi nướng lên bếp than hồng sau đó ăn kèm với lá rau rừng, đảm bảo thực khách nào chết mê chết mệt với món này. Ngoài ra thịt nhím còn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác như thịt nhím nhồi ống hồ lô, canh xương nhím nấu bột bắp, nhím gói lá dong… Thịt nhím chắc thịt, thơm, không có mỡ, lớp vì dày nhưng giòn đảm bảo chế biến món nào cũng ngon.
Cá tầm là loại cá xương sụn, thịt cá trắng dai, có vị ngọt béo ngậy. Cá tầm sau khi làm sạch được tẩm ướp gia vị từ các loại cây dược liệu của núi rừng Măng Đen. Sau đó cá được đem hấp, um hoặc nướng bằng bếp than hồng. Và ngon nhất có lẽ là món cá tầm nấu măng le rừng, có thể nói đây là sự kết hợp hoàn hảo khiến thực khách nào cũng phải tấm tắc khen ngợi ngay từ lần đầu thưởng thức.
Các món chế biến từ lá mì tuy dân dã nhưng cũng mang đến hương vị khiến thực khách say mê. Lá mì có thể chế biến thành nhiều món như lá mì muối chua, gà rừng trộn lá mì chua, lá mì nấu cá khô, canh chua lá mì… Đặc biệt hơn là món gà rừng trộn mì chua, món này hầu như ai ăn cũng khen ngon và luôn muốn thử lại lần sau. Vị chua gắt của lá mì muối hòa quyện với vị ngọt tự nhiên của thịt gà rừng tạo nên một hương vị đậm đà, ngon đến khó cưỡng.
Món này được người dân tộc Ba Na ở Kon Tum nghĩ ra và đã trở thành đặc sản của họ. Các loại rau, cá, thịt sau khi rửa sạch sẽ được xắt nhỏ. Cà đắng, cà tím cũng được xắt thành miếng. Cá thịt làm sạch rồi trộn với rau rừng, măng rừng, sả, tiêu rồi cho hết vào ống lô ô nướng trên bếp than hồng. Đến khi chín, món ăn dậy mùi thơm lừng là có thể lấy ra thưởng thức.
Dù là đặc sản Kon Tum nào kể trên chúng tôi cũng đảm bảo với bạn rằng hương vị đều rất tuyệt vời. Nếu có đủ thời gian ở lại đây thì bạn nên thử hết các món để cảm nhận được sự phong phú và đa dạng về nền ẩm thực của vùng đất Tây Nguyên này.