Thông tin về địa điểm tỉnh thành phố Việt Nam

Hướng dẫn mới nhất F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà

689 views ngày 15/02/2022

1. Vật dụng phải chuẩn bị khi cách ly, điều trị F0 tại nhà:

- Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho cả nhà trong 2 - 3 tuần);

- Găng tay y tế sạch (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2 - 3 tuần);

- Nhiệt kế thủy ngân hoặc điện tử, máy đo huyết áp;

- Thùng đựng chất thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nylon màu vàng để lót bên trong thùng;

- Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm: bàn chải răng; khăn tắm; khăn mặt; chậu tắm, giặt; bộ đồ dùng ăn uống; xà phòng (tắm, giặt); máy giặt (nếu có); dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân;

- Các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày;

- Các thuốc và đơn thuốc (toa) của bác sĩ đối với người nhiễm (nếu có).

Ngoài chuẩn bị các vật dụng tối thiểu như trên, người trong gia đình cần lưu lại các số đường dây nóng phòng, chống dịch, số điện thoại của người được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe người nhiễm và các số điện thoại cần thiết khác

Đồng thời, cả gia đình nên xác định và thống nhất về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm. Nếu cần có thể phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm.

Hướng dẫn chăm sóc người mắc Covid-19 tại nhà của Bộ Y tế cũng lưu ý, khi một người trong nhà mắc Covid-19, những người khác trong nhà cũng có thể nhiễm bệnh, do đó cũng phải thực hiện cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Hướng dẫn mới nhất F0 tự chăm sóc và theo dõi sức khỏe tại nhà

2.  Những điều F0 cần làm khi cách ly tại nhà

• Không bị quan, giữ tâm lý luôn thoải mái. Khi gặp khó khăn, liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn từ xa.

• Tự theo dõi sức khỏe: Đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, đo SpO2 (nếu có thiết bị) ít nhất hai lần một ngày, hoặc khi cảm thấy mệt, khó thở.

• Tiếp tục sử dụng các thuốc điều trị bệnh nền theo toa của bác sĩ.

• Mang khẩu trang liên tục, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên.

• Rửa mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

• Thường xuyên tập thở, vận động nâng cao sức khỏe.

• Uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh.

• Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 01 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng “Y tế HCM” hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe.

• Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; thường xuyên làm vệ sinh các bề mặt, vật dụng, nhà vệ sinh. • Khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo, ... Phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm đúng quy định.

• Có số điện thoại của nhân viên y tế Cơ sở đang quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để liên hệ khi cần tư vấn, hỗ trợ; tổng đài “1022”, “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” hoặc Tổ phản ứng nhanh phường, xã, thị trấn, quận, huyện.

3. Những điều F0 KHÔNG nên làm

• Không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly.

• Không sử dụng chung vật dụng với người khác.

• Không ăn uống cùng với người khác.

• Không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi. Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc.

4. Người F0 hoặc người chăm sóc báo ngay cho Cơ sở đang quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà nếu người F0 có MỘT trong các dấu hiệu sau đây:

 • Khó thở, thở hụt hơi hoặc nhịp thở tăng (> 21 lần/phút đối với người lớn; ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 01 đến dưới 05 tuổi: ≥ 30 lần/phút đối với trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi). Độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) < 97% (nếu đo được).

• Mạch nhanh > 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút. Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thiết bị).

• Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

• Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

• Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

• Không thể uống.

• Trẻ có biểu hiện: Sốt trên 38oC, đau rát họng, ho, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 < 97% (có thiết bị), ăn/bú kém,...

5. Xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà

1.F0 cách ly, điều trị tại nhà sẽ được dỡ bỏ cách ly, điều trị tại nhà khi: cách ly, điều trị đủ 10 ngày và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép).

2.Cơ sở được phân công quản lý F0 lập danh sách xác nhận F0 khỏi bệnh, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn để cấp giấy xác nhận hoàn thành thời gian cách ly theo quy định; đồng thời cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng dẫn của Sở Y tế tại công văn số 9000/SYT-NVY ngày 02/12/2021 (đối với người lao động là F0).

3. Làm xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với F0 khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.

Mời bạn đọc thêm bài viết Điều kiện để người mắc COVID-19 điều trị tại nhà trong loạt bài "Cẩm nang hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho người mắc COVID-19 tại nhà".

4.3/5 từ 8 lượt đánh giá.

----